NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ
CỦA DÂN TỘC
(Phạm Văn Đồng )
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 53)
* Hệ thống luận điểm chính của bài viết
- Mở bài: Nêu luận điểm trung tâm của bài viết: Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu và đề cao hơn nữa
- Thân bài: Triển khai các luận điểm nhỏ:
+ Đoạn 1: Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ yêu nước.
+ Đoạn 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương phản chiếu phong trào chống thực dân Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.
+ Đoạn 3: Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian nhất là ở miền Nam.
- Kết bài: Kết luận: Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng của mọi thời đại.
* Nhận xét cách sắp xếp các luận điểm
- Các luận điểm được sắp xếp nhằm phục vụ mục đích của người viết: Tác giả nói về con người, hoàn cảnh đất nước và tấm lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu trước, sau đó mới đi vào phân tích thơ văn của ông vì phải hiểu được con người, hoàn cảnh đất nước, ta mới có thể hiểu và đánh giá được đúng đắn, toàn diện giá trị trong các tác phẩm.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 53)
- Tác giả dùng nghệ thuật ẩn dụ để khẳng định tài năng và tấm lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.
+ Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường: Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng độc đáo, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có vẻ đẹp riêng không dễ nhận ra.
+ Phải chăm chú nhìn thì mới thấy: phải cố gắng tìm hiểu và tìm hiểu kĩ, phải kiên trì nghiên cứu thì mới cảm nhận được vẻ đẹp riêng của nó.
+ Càng nhìn càng thấy sáng: càng nghiên cứu, càng tìm hiểu kĩ ta sẽ càng thấy được cái hay của nó và càng khám phá ra được những vẻ đẹp mới.
- Tác giả nêu hai lí do khiến cho “ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu” chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ dân tộc:
+ Thứ nhất: Nhiều người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên và hiểu tác phẩm này khá thiên lệch về nội dung và nghệ thuật.
+ Thứ hai: Người đọc biết rất ít về thơ văn yêu nước - một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 54)
* “Ánh sáng khác thường” trong con người và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu
- Con người: Tác giả không viết lại tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu mà nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật: khí tiết của một người chí sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn.
- Quan điểm sáng tác:
+ Thơ Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn mang tính chiến đấu, đánh thẳng vào giặc xâm lược và tôi tớ của chúng.
+ Với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút còn là một thiên chức nên ông khinh miệt những kẻ lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa.
→ Quan niệm sáng tác thống nhất với con người Nguyễn Đình Chiểu: Văn thơ phải là vũ khí chiến đấu sắc bén.
b. “Ánh sáng khác thường” trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu
- Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc”, vì thơ văn ông đã “làm sống lại phong trào kháng Pháp bền bỉ và oanh liệt của nhân dân Nam Bộ từ 1860 trở về sau”. Những tác phẩm của ông được là tấm gương phản chiếu thời đại, phản ánh trung thành những dấu mốc một giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc.
+ Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là lời ngợi ca những nghĩa sĩ nông dân dũng cảm và cũng là lời khóc thương cho những anh hùng thất thế, bỏ mình vì dân vì nước (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh,...)
+ Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mang tính chiến đấu vì đã xây dựng những hình tượng “sinh động và não nùng” về những con người “suốt đời tận trung với nước, trọng nghĩa với dân, giữ trọn khí phách hiên ngang cho dù chiến bại” và “ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu”. Để làm rõ luận điểm này, tác giả đã:
- Phân tích một tác phẩm tiêu biểu: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
- So sánh với “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: Bài cáo là khúc ca khải hoàn, bài văn tế là khúc ca của những người anh hùng thất thế mà vẫn hiên ngang
- Trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, hòn ngọc rất đẹp như “Xúc cảnh”
- Đặt tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu vào phong trào thơ văn kháng Pháp lúc bấy giờ với những tên tuổi tài năng như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa.
* “Ánh sáng khác thường” trong truyện thơ “Lục Vân Tiên”
- Nêu nguyên nhân làm cho tác phẩm được xem là “lớn nhất” của Nguyễn Đình Chiểu và được phổ biến rộng rãi trong dân gian:“trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa”.
- Bàn luận về những điều mà nhiều người cho là hạn chế của tác phẩm:
+ Thừa nhận sự thật: “Những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời”, trong tác phẩm có những chỗ “lời văn không hay lắm”:
+ Khẳng định bằng những lí lẽ và dẫn chứng xác thực: đó là những hạn chế không thể tránh khỏi và không phải là chính yếu:
- Hình tượng con người trong “Lục Vân Tiên” gần gũi với mọi thời, vấn đề đạo đức trong Lục Vân Tiên mang tính phổ quát xưa nay. Điều này tạo ra sự “gần gũi với chúng ta”, “làm cho chúng ta cảm xúc và thích thú”.
- Lối kể chuyện “nôm na” dễ nhớ, dễ truyền bá trong dân gian. Người miền Nam say sưa nghe kể “Lục Vân Tiên”.
- Thủ pháp “đòn bẩy”: nêu hạn chế để khẳng định giá trị trường tồn của tác phẩm “Lục Vân Tiên.
→ Phạm Văn Đồng đã xem xét giá trị của “Truyện Lục Vân Tiên” trong mối quan hệ mật thiết với đời sống nhân dân (quen thuộc với nhân dân, được nhân dân chấp nhận và yêu mến) Đó là cơ sở đúng đắn và quan trọng nhất để đánh giá tác phẩm này.
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 54)
Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng ra phải sáng tỏ hơn nữa, vì:
- Có rất ít người biết tới thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, có một số người thậm chí còn chê văn thơ ông thô ráp, nôm na.
- Phẩm chất đạo đức và thành công nghệ thuật khẳng định Nguyễn Đình Chiểu xứng là lá cờ đầu của thơ ca chống Pháp.
- Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời hiện đại để khôi phục lại giá trị đích thực của thơ văn yêu nước.
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 54)
Bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì:
- Bố cục chặt chẽ, các luận điểm triển khai bám sát vấn đề trung tâm.
- Cách lập luận từ khái quát đến cụ thể, kết hợp cả diễn dịch, quy nạp và hình thức “đòn bẩy”.
- Lời văn có tính khoa học, vừa có màu sắc văn chương vừa khách quan; ngôn ngữ giàu hình ảnh.
- Giọng điệu linh hoạt, biến hoạt : khi hào sảng, lúc xót xa,…
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Bằng cách nhìn, cách nghĩ sâu rộng, mới mẻ và nhiệt tình của một người gắn bó hết mình với đất nước, với nhân dân, Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ mối liên hệ khăng khít giữa thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu với hoàn cảnh của Tổ quốc lúc bấy giờ và với thời đại hiện nay. Đồng thời, tác giả hết lòng ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu, một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, một ngôi sao sáng trong nền văn nghệ của dân tộc Việt Nam.
2. Bài viết có sức lôi cuốn mạnh mẽ do cách nghị luận vừa xác đáng, chặt chẽ vừa xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn từ đặc sắc.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 54)
- Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là một tác phẩm vô giá:
+ Là bài văn khóc tế các nghĩa sĩ tử trận, xây dựng được hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ kiên cường, bất khuất.
+ Là tác phẩm ghi chép lại một dấu mốc lịch sử bi thương mà hào hùng của dân tộc.
+ Là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu - một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của dân tộc.
- Việc học “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” sẽ giúp học sinh:
+ Có thêm hiểu biết về con người và sự nghiệp văn học Nguyễn Đình Chiểu.
+ Có thêm hiểu biết về một thể loại văn học: văn tế.
+ Có thêm hiểu biết về lịch sử dân tộc.
+ Bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Hy vọng Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 12 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ