ĐẤT NƯỚC
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 126)
* Bố cục bài thơ: 2 phần
- Phần 1: từ câu đầu đến câu 21: Đất nước được cảm nhận qua hình ảnh mùa thu xưa và nay.
- Phần 2: đoạn còn lại: Đất nước gian khổ, đau thương từ trong chiến đấu và vinh quang trong chiến thắng.
* Mối quan hệ giữa các phần: Là quan hệ bổ sung:
- Phần đầu của bài thơ chủ yếu được dựa trên cơ sở các đoạn thơ trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Ở đây, tác giả cảm nhận về đất nước chưa đầy đủ và phong phú.
- Phần thứ hai của bài thơ được viết vào năm 1955 – là sự bổ sung cho cảm hứng tổng hợp về đất nước thêm đầy đủ và phong phú.
Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 126)
Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ hiện lên đặc sắc qua:
- Hình ảnh thiên nhiên: mát trong, gió, hương cốm...
→ Thiên nhiên trong lành, mang đặc trưng của mùa thu Hà Nội: đẹp nhưng man mác buồn.
- Hình ảnh con người
+ “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”: dứt khoát.
+ “Sau lưng thềm vắng lá rơi đầy”: lưu luyến.
→ Những con người ra đi dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến.
Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 126)
Đoạn thơ nói về mùa thu của cách mạng, mùa thu mới nơi Việt Bắc - Thu chiến khu:
- Cảm nhận chung về sự thay đổi của mùa thu: “mùa thu nay khác rồi”.
- Những thay đổi:
+ Con người: Vị thế, tâm thế của chủ thể trữ tình ở thu nay đã khác thu xưa. Chủ thể trữ tình “vui" hào hứng, sôi nổi khi đứng giữa đất trời tự do.
+ Cảnh thu: Cảnh thu nay cũng biến đổi theo tâm trạng của chủ thể trữ tình: Cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, tươi sáng, không gian thu sống động; nhà thơ cảm thấy như đất trời tươi mới hơn, trong biếc hơn như nó đã được “thay áo mới”, mùa thu tràn ngập âm thanh “nói cười thiết tha”.
- Từ cảm xúc về mùa thu đất nước dẫn đến niềm tự hào về quyền làm chủ đất nước:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
- Khi thể hiện cảm hứng tự hào, tác giả đã có những khám phá sâu sắc về truyền thống Đất nước với Nguyễn Đình Thi nổi bật lên ở truyền thống bất khuất.
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 126)
Những suy tư và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối của bài thơ:
- Đất nước đau thương, căm hờn, quyết tâm đứng lên chiến đấu:
+ Những hình ảnh tương phản: sự đau thương của đất nước trong chiến tranh.
+ Những từ ngữ diễn tả tâm trạng: sự hài hoà giữa cái chung - riêng, tình yêu lứa đôi - tình yêu đất nước.
+ Kẻ thù huỷ hoại tất cả đời sống tinh thần cũng như vật chất.
+ Những con người hiền lành biến tình yêu nước nồng nàn thành sự cháy bỏng căm hờn và kiên quyết chiến đấu giành quyền sống chính đáng
- Đất nước anh dũng, kiên cường:
+ Biện pháp đối lập: sự tàn bạo của giặc và tấm lòng yêu nước của dân ta.
+ Sự thay đổi về cảnh vật: vừa chiến đấu vừa xây dựng.
+ Sự thay đổi con người: giản dị mà bất khuất, kiên cường, quật khởi.
- Con người Việt Nam đã đứng đúng tư thế hào hùng rũ bỏ vết nhơ nô lệ.
Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 - Trang 126)
- Bài thơ được làm theo thể thơ tự do với các đặc điểm: câu thơ dài ngắn khác nhau, nhịp điệu khi nhanh, khi chậm. Kết hợp với việc lựa chọn sử dụng những hình ảnh có tính khái quát cao phù hợp với việc diễn tả nội dung tư tưởng và mạch cảm xúc của tác giả.
- Tác dụng:
+ Giúp tác giả dựng được một bức tượng đài đẹp đẽ, sống động về hình ảnh đất nước trong chiến đấu và chiến thắng.
+ Gợi được cảm nhận rõ ràng về sự chiến thắng của dân tộc: chiến thắng ấy là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu mồ hôi và nỗi đau vò xé ; chiến thắng ấy cũng là kết tinh cao nhất của tình yêu, của tinh thần chiến đấu và khát vọng hòa bình sâu thẳm.
+ Tạo được cảm hứng hào hùng cho khúc tráng ca của dân tộc từ nô lệ đến tự do, từ buồn thương đến mừng vui, hạnh phúc. Đây chính là sự vận động đẹp đẽ, sâu sắc trong tứ thơ của Nguyễn Đình Thi.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Nguyễn Đình Thi đã đúc kết những cảm xúc và suy ngẫm của mình về đất nước trong cảm hứng về một đất nước vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần được triển khai theo hướng từ cụ thể đến khái quát.
2. Phần đầu của bài thơ chủ yếu được dựa trên cơ sở các đoạn thơ trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Từ những hoài niệm về mùa thu Hà Nội đẹp và man mác buồn, nhà thơ khắc họa mùa thu của cách mạng, mùa thu mới nơi chiến khu Việt Bắc với những thay đổi trong con người và cảnh vật:
- Con người: Vị thế, tâm thế của chủ thể trữ tình ở thu nay đã khác thu xưa. Chủ thể trữ tình “vui" hào hứng, sôi nổi khi đứng giữa đất trời tự do.
- Cảnh thu: Cảnh thu nay cũng biến đổi theo tâm trạng của chủ thể trữ tình: Cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, tươi sáng, không gian thu sống động; nhà thơ cảm thấy như đất trời tươi mới hơn, trong biếc hơn như nó đã được “thay áo mới”, mùa thu tràn ngập âm thanh “nói cười thiết tha”.
Từ cảm xúc về mùa thu đất nước dẫn đến niềm tự hào về quyền làm chủ đất nước:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
3. Phần thứ hai, Nguyễn Đình Thi bộc lộ những suy tư và cảm nhận của mình về đất nước, con người Việt Nam.
- Đó là đất nước vừa đau thương trong chiến tranh, chịu sự áp bức của kẻ thù nhưng con người Việt Nam thì nồng nàn yêu nước và cháy bỏng quyết tâm đấu tranh giành lại độc lập tự do.
- Đó còn là đất nước anh dũng, kiên cường, vừa chiến đấu thống nhất đất nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Con người đất nước giản dị mà bất khuất, kiên cường, quật khởi.
Trên đây là gợi ý soạn bài Đất nước (Nguyễn Đình Thi) do giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.