1. Đối tượng của bài văn nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
- Có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích nói chung.
- Có thể chỉ là một phương diện, thậm chí một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của đoạn trích đó.
2. Yêu cầu của bài văn nghị luận về về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
- Phải phân biệt được nghị luận về một đoạn trích và nghị luận về một tác phẩm. Nghĩa là tránh việc đề cập tới tất cả các nội dung của tác phẩm còn nội dung của đoạn trích lại sơ lược.
- Tập trung vào đoạn trích nhưng phải biết vận dụng kiến thức của toàn tác phẩm như nội dung tư tưởng, cách kể chuyện, cách sử dụng chi tiết, cách xây dựng nhân vật, các biện pháp tu từ. Nhất thiết phải đặt đoạn văn trong chỉnh thể của tác phẩm mới có cách đánh giá chính xác.
3. Các bước làm bài văn nghị luận về về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
* Bước 1: Phân tích đề – xác định các yêu cầu của đề
- Xác định dạng đề.
- Yêu cầu nội dung (đối tượng).
- Yêu cầu vê phương pháp.
- Yêu cầu phạm vi tư liệu, dẫn chứng.
* Bước 2: Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý: Theo bố cục ba phần
- Mở bài:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận.
- Thân bài: Phân tích những giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm, đoạn trích để làm rõ vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của đoạn trích.
- Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.
* Bước 3: Viết bài
- Dựa theo dàn bài đã xây dựng, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
- Chú ý viết đoạn văn phải thể hiện được nổi bật luận điểm và chứng minh bằng những luận cứ rõ ràng; Các đoạn phải có liên kết, chuyển tiếp nhau.
* Bước 4 : Kiểm tra, chỉnh sửa
4. Dàn bài chi tiết
Đối với bài văn nghị luận về một đoạn trích:
* Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả/tác phẩm và dẫn vào đoạn trích.
* Thân bài:
- Bước 1: Khái quát tác phẩm trước đoạn trích đó (phân tích qua khoảng 7-8 dòng). Nếu là đoạn đầu thì bỏ qua. (Ví dụ: cảm nhận đoạn văn về cảnh vượt thác trong Người lái đò Sông Đà thì phải khái quát, giới thiệu đoạn trước đó với nội dung: sông Đà hung bạo, hùng vĩ, tính cách nham hiểm, độc dữ của loài thuỷ quái). Sau đó chúng ta nêu vị trí đoạn trích cũng như nêu nội dung đoạn văn ta sắp cảm nhận (nêu khái quát nhất – khoảng 3-4 dòng)
- Bước 2: Cảm nhận vào đoạn chính.
+ Xác lập luận điểm dựa trên nhóm câu có cùng chung nội dung.
+ Ví dụ: Trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà đoạn: “Sông Đà tuôn dài, tuôn dài….đốt nương xuân”. Nhóm câu này có nội dung nói về hình dáng sông Đà cảm nhận từ góc nhìn từ trên cao; sông Đà hiện lên như hình ảnh một người đàn bà kiều diễm. Xác định được nội dung đó thì ta có thể xác lập ra luận điểm: “Nhà văn chiêm ngưỡng dòng sông ở nhiều góc độ. Từ trên cao nhìn xuống – sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình lãng mạn và gợi cảm biết bao qua phép so sánh, liên tưởng độc đáo tới người đàn bà có áng tóc trữ tình mê đắm….”.
+ Chú ý các câu văn, hình ảnh có sử dụng nghệ thuật. Nhất là kiểu câu sử dụng các động từ, tính từ. Kiểu câu phức, câu ghép, câu đặc biệt…
+ Đoạn văn này được đặt trong chỉnh thể của tác phẩm nên khi các em cảm nhận thì phải có sự liên kết với nội dung chung và giá trị chung của tác phẩm đó. Nghĩa là các em phải mở rộng ra toàn tác phẩm (dù đoạn văn đó là chính nhất)
+ Sau khi cảm nhận hết đoạn trích thì cảm nhận đoạn sau đó một cách sơ lược (7-8 dòng); nếu như là đoạn kết tác phẩm thì thôi.
- Bước 3. Đánh giá đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích: tình huống truyện, trần thuật, giọng văn, tu từ….
* Kết bài:
Đánh giá lại vấn đề.
Đối với bài văn nghị luận cả tác phẩm văn học
* Mở bài: nêu được yêu cầu của đề bài. Nghĩa là đề thi yêu cầu như thế nào thì phải dẫn vào vấn đề như thế. Tránh lối viết mở bài mà không làm nổi bật được yêu cầu của đề.
* Thân bài
- Khái quát về tác giả (phong cách sáng tác), tác phẩm, xuất xứ: (Phần này rất quan trọng vì trong đáp án của Bộ, học sinh làm tốt những yêu cầu này sẽ đạt 0,50 điểm; nếu các em đã đưa phần tác giả lên mở bài thì phần khái quát có thể không cần nữa; hoặc phần khái quát sẽ dùng để nói hoàn cảnh sáng tác).
- Nội dung phân tích, cảm nhận:
+ Trong phần nội dung của bài làm, học sinh phải xác lập được các luận điểm chính rồi từ đó dựa vào các thao tác: chứng minh, bình luận, phân tích, cảm nhận… để làm rõ luận điểm.
+ Nên viết đoạn văn theo lối diễn dịch để ý được rõ ràng, giám khảo chấm cũng dễ cho điểm. Đầu mỗi luận điểm, lùi bút vào 2 ô giấy để giám khảo dễ nhìn bố cục của mình hơn.
+ Đối với thơ hay truyện thì phải lấy nghệ thuật để phân tích phần nội dung (Nhất là phân tích thơ).
+ Khi hành văn, cần tránh những câu từ sáo rỗng. Cần viết thật cô đọng, giọng văn phải kết hợp được chất lý luận và suy tư cảm xúc.
+ Tránh gạch bỏ quá nhiều trong bài làm, làm bẩn bài làm sẽ gây phản cảm cho người chấm.
+ Để tăng chiều sâu cho bài viết, cần có sự so sánh, đối chiếu giữa nhân vật này, nhân vật kia, tác phẩm này, tác phẩm nọ. Cần đưa một số lời phê bình, nhận định văn học vào trong bài làm. Cần có dẫn chứng thêm ngoài tác phẩm. Những yếu tố vừa nói trên đây sẽ làm cho bài văn của các em thêm phong phú và có chiều sâu, chắc chắn sẽ được giám khảo cân nhắc mà cho điểm cao.
- Phần tổng kết nghệ thuật: theo đáp án, trước khi kết bài sẽ có phần tổng kết nghệ thuật. Học sinh cần có đánh giá, nhận xét chung về nghệ thuật của tác phẩm (phần này đáp án cho từ 0,5 – 1,0 điểm). Thực ra phần nghệ thuật này đã nói trong khi chúng ta làm bài. Đây chỉ là bước đệm cuối cùng cho đủ bố cục bài văn.
* Kết bài: đánh giá chung về vấn đề.