VỘI VÀNG
I. KIỄN THỨC TRỌNG TÂM
Nội dung:
- Bài thơ thể hiện quan niệm nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả, quan niệm thẩm mỹ mới mẻ của Xuân Diệu.
- Bài thơ vừa tiêu biểu, thể hiện rõ ý thức cá nhân “cái tôi” thơ mới, vừa mang đậm bản sắc riêng của hồn thơ Xuân Diệu – người nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời.
Nghệ thuật:
- Bài thơ sử dụng ngôn từ táo bạo, mạch cảm xúc dạt dào, mãnh liệt.
- Nhịp điệu thơ dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt được tạo nên từ làn sóng dồn dập…
- Bài thơ sử dụng nhiều danh từ, tính từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ, nhiều tính từ chỉ xuân sắc, nhiều điệp từ, điệp cấu trúc.
II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1: SGK - 23
Bài thơ chia làm ba đoạn.
- Đoạn 1 (13 câu đầu): Bộc lộ tình yêu cuộc sống trần thế tha thiết.
- Đoạn 2 (từ câu 14 đến câu 29): Nỗi băn khoăn vê sự ngắn ngủi của kiếp người trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian.
- Đoạn 3 (còn lại): Lời giục giã cuống quýt, vội vàng để tận hưởng những giây phút tuổi xuân của cuộc đời, của vũ trụ.
Câu 2: SGK - 23
- Xuân Diệu cảm nhận về thời gian gắn liền với mùa xuân và tuổi trẻ của một người yêu cuộc sống thiết tha, say đắm, nên mang nét riêng của Xuân Diệu rất rõ. Thời gian của tự nhiên thì luôn tuân thủ theo quy luật vận động bất biến, nhưng thời gian theo cách nhìn của Xuân Diệu thì thời gian vận động tuyến tính, một đi không trở lại. Thời gian thật sự khắc nghiệt, đời người có hạn và tuổi xuân ngắn ngủi.
- Tâm trạng của Xuân Diêụ vội vàng, cuống quýt trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian là bởi: nhà thơ ý thức rõ sự mất mát khi thời gian trôi qua. Bởi vậy, cái tôi của nhà thơ, một cái tôi ý thức rất rõ về thời gian đã tận hưởng những phút giây tuổi xuân mà cuộc đời đã trao tặng mình. Đó là niềm khát khao sống sôi nổi, mãnh liệt của thanh niên, của tuổi trẻ.
Câu 3: SGK - 23
- Hình ảnh thiên nhiên, sự sống quen thuộc được tác giả cảm nhận và diễn tả đầy màu sắc, tươi trẻ, hình ảnh âm thanh tươi đẹp và giàu sức sống.
- Xuân Diệu quan niệm hạnh phúc không ở đâu xa, nó tồn tại ngay giữa trần thế này. Đó là hoa đồng cỏ nội, ong bướm, chim chóc… Vì vậy, phải biết giữ lấy hạnh phúc, giữ lại vẻ đẹp của cuộc sống.
Câu 4: SGK - 23
- Đặc điểm của hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu trong đoạn cuối bài thơ:
+ Hình ảnh trong đoạn thơ cuối gần gũi, quen thuộc mà tươi mới, giàu sức sống, đầy quyến rũ và tình tứ. Đó là những hình ảnh rất táo bạo, đầy cảm giác và có tính sắc dục.
+ Ngôn từ của bài thơ tự nhiên, gần với lời nói thường, nhưng đã được nâng lên thành nghệ thuật. Cảm xúc dào dạt, mãnh liệt đã tạo nên nhưng làn sóng ngôn từ vừa đan vào với nhau, vừa cộng hưởng với nhau theo chiều tăng tiến. Tác giả dùng dồn dập những động từ mạnh, tăng tiến chỉ động tác đắm say; nhiều danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ; nhiều tính từ chỉ xuân sắc, nhiều điệp từ, điệp cú pháp có tác dụng nhấn mạnh ý. Nhịp điệu của đoạn thơ dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.
- Nhà thơ đã sáng tạo được hình ảnh mới mẻ, độc đáo nhất: “Tháng giêng ngon…; Hỡi xuân hông…” táo bạo, mãnh liệt, thể hiện sự say mê, cuống nhiệt của một tâm hồn yêu đời.
III. LUYỆN TẬP
Bài 1: SGK - 23
- Ý nghĩa câu nói của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan:
+ Thơ Xuân Diệu có hai nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân.
+ Dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía.
- Phân tích bài thơ Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định:
+ Chứng minh rằng, với cảm hứng “tuổi xuân” lúc nào Xuân Diệu cũng là thanh niên với giọng yêu đời thắm thiết.
Lúc vui: đoạn 1 và đoạn 3 đều ru thanh niên bằng giọng yêu đời thắm thiết (chứng minh qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống con người; qua sự cuồng nhiệt, hối hả, vội vàng của nhà thơ đến với cuộc sống để “ôm” cuộc sóng ấy vào lòng mà tận hưởng).
Lúc buồn: đoạn 2: Ngay cả khi lo sợ thời gian trôi nhanh cướp mất tuổi xuân của mình, nhà thơ băn khoăn, lo lắng, nhưng trong cái băn khoăn đó vẫn bộc lộ niềm yêu đời, yêu cuộc sống của mình qua những câu thơ da diết, tha thiết với tuổi trẻ và mùa xuân như muốn níu kéo tuổi xuân ở mãi với mình.