ican
Soạn Văn 11
Tràng giang

Soạn bài Tràng giang

Văn 11 bài Soạn bài Tràng giang: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Tràng giang giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn.

Ican

TRÀNG GIANG

_Huy Cận_

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1:

Câu thơ đề từ “Bâng khuân trời rộng nhớ sông dài”

Hai chữ “bâng khuâng” thể hiện được nỗi niềm của nhà thơ: cảm giác bâng khuâng trước tràng giang rộng lớn. Trời rộng được nhân hóa nhớ sông dài hay chính là ẩn dụ cho nỗi nhớ của nhà thơ.

Câu thơ định hướng cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi sầu buồn lan tỏa, nhẹ nhàng mà sâu lắng trước cảnh trời rộng sông dài (tràng giang), đồng thời tạo nên vẻ đẹp hài hòa, vừa cổ điển (của sông nước mây trời) vừa hiện đại (của nỗi buồn nhớ bâng khuâng) của chàng thanh niên thời thơ mới.

Câu 2:

Âm điệu chung của toàn bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu – đều đều, dập dềnh như sông nước ở trên sông và âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.

Toàn bài thơ chủ yếu là nhịp thơ ¾ tạo ra âm điệu đều đều. Âm điệu tựa như dập dềnh trên sông và sóng biển.

Qua âm điệu đó, ta dễ dàng nhận ra nỗi sầu rất đặc trưng của thơ Huy Cận, một kiểu cảm xúc mênh mang, mang nỗi sầu vô tận giữa dòng đời.

Câu 3:

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm sắc màu cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc vì bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên đậm màu sắc cổ điển với sóng nước, con thuyền, cồn nhỏ đìu hiu, bến cô liêu… có những cảnh đẹp như trong Đường thi “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Ở đây có núi mây hùng vĩ (mây đùn thành núi bạc) phía trời tây, lại có cảnh chim chiều hút nắng lúc hoàng hôn đang sa xuống tận cuối trong trời xa – đó là những thi liệu quen thuộc của thơ cổ điển phương Đông mà ta đã gặp đâu đó trong thơ Đường, thơ Tống cũng như thơ trung đại Việt Nam.

Bức tranh thiên nhiên trong Tràng Giang vẫn gần gũi, thân thuộc với mọi tấm lòng Việt Nam. Bởi ta nhận ra đâu đó là một con sông quê hương đất nước với “cành củi khô lạc dòng”, với “tiếng làng xa vãn chợ chiều”, cả những cụm bèo trôi dạt trên sông “hàng nối hàng”, và nhất là cảnh bờ bãi ven sông đúng là của Việt Nam, không thể nào lẫn được (Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng). Hình ảnh trong bài thơ, tuy đã được khái quát, mang ý nghĩa tượng trưng (một con sông buồn), không còn là một con sông cụ thể nữa, nhưng nó vẫn rất thực và gần gũi, mang hình bóng con sông của xứ sở, thân thuộc với mọi tấm lòng Việt Nam.

Câu 4:

Tình yêu thiên nhiên ở đây thấm đượm lòng yêu nước thầm kín, bởi các lý do sau:

Viết về một con sông buồn, trước hết Huy Cận bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, nhưng đó là một nỗi sầu – cô đơn thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha của tác giả. Trước Tràng giang dập dềnh sóng nước, trước con sông mênh mông, nhà thơ thấy rõ cái cô đơn gần như tuyệt đối của mình trước vũ trụ bao la vô tận, từ đó, mà cảm nhận sâu sắc thân phận của một thi nhân mất nước trong cảnh đời nô lệ lúc bấy giờ.

Đâu chỉ là cành củi khô lạc dòng, cụm bèo trôi sông mà đây chính là thân phận của những cuộc đời trôi nổi, chưa định được hướng đi trong xã hội cũ. Và khi đã thấu hiểu, thấm thía thân phận mất nước thì cũng có nghĩa là tình yêu nước của Huy Cận đầy ắp trong tim.

Phải gắn cái tôi cô đơn với thân phận thi nhân mất nước của Huy Cận trong bài thơ thì mới cảm nhận được sâu sắc tâm sự yêu nước kín đáo của thi sĩ.

Câu 5:

Các nét đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ thể hiện qua các ý sau:

Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính, với cách ngắt nhịp quen thuộc tạo nên sự hài hòa trong toàn bài thơ.

Tác giả sử dụng triệt để thủ pháp tương phản: hữu hạn/ vô hạn; nhỏ bé/ lớn lao, không/ có...

Nhà thơ sử dụng đa dạng và thành công các kiểu từ láy: láy âm (Tràng Giang, đìu hiu, chót vót...) láy hoàn toàn (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn...) và linh hoạt khi sử dụng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, so sánh.

Bên cạnh đó, cách ngắt nhịp trong bài thơ tạo nên những âm điệu buồn, man mác, thể hiện rõ nét tâm trạng bâng khuâng của nhà thơ.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

a. Nội dung: Bài thơ thể hiện nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, qua đó thể hiện niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu nước tha thiết.

b. Nghệ thuật: Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, sử dụng nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, cùng với hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1:

Bài thơ Tràng Giang đã khắc họa không gian rộng lớn của sóng, nước, sông chảy về vô tận.

+ Không gian ở đây được mở rộng theo nhiều chiều, bao la rộng lớn và lan tỏa sang đôi bờ.

+ Chiều thứ ba của không gian vũ trụ mở với bầu trời sâu chót vót, vô cùng tận.

+ Cả ba chiều của không gian nỗi buồn, nỗi cô đơn như không có giới hạ. Không gian vừa hùng vĩ, vừa cô đơn.

Từ đó, ta có thể thấy nhà thơ mang nặng nỗi sầu nhân thế và nỗi cô đơn của chính mình.

Bên cạnh không gian rộng lớn, bao la nhưng thấm đượm nỗi buồn thì thời gian trong bài thơ này vừa cụ thể, gợi cảm lại càng phản ánh nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà thăm thẳm trong lòng nhà thơ khi đứng trước Tràng Giang mênh mang sóng nước.

Thời gian ở đây là buổi chiều tà buông xuống trên sông. Tác giả đã mả nhận thời gian qua những chi tiết, hình ảnh của đời thường hằng ngày cùng với những thi liệu cổ điển phương Đông – sử dụng hình ảnh, sự vật sự việc để nói lên thời gian (Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, “khói hoàng hôn”, “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa”).

Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật ở Tràng Giang góp phần vào việc thể hiện sâu sắc, tình cảm và tư tưởng của tác giả.

Bài 2:

Trong câu thơ “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” của Huy Cận gợi nhớ tới câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” là bởi:

Cả Huy Cận và Thôi Hiệu đều viết về khói sóng buổi hoàng hôn, cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng lại có sự khác biệt tiêu biểu cho thơ cũ, thơ cổ điển, thơ mới, thơ hiện đại.

Với Thôi Hiệu, phải có khói sóng trên sông mới gợi lên nỗi nhớ nhà, còn Huy Cận thì “không khói hoàng hôn” mà nỗi nhớ ấy vẫn dâng lên.

Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, thơ mới không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện với cung bậc cảm xúc thiết tha.

 

Gợi ý Văn 11 Soạn bài Tràng giang do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

 

Đánh giá (315)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy