TÌNH YÊU VÀ THÙ HẬN
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1: SGK – 201
- Từ lời thoại 1 đến lời thoại 7 là độc thoại của hai nhân vật. Tác giả để hai nhân vật tự nhiên bộc lộ tình cảm của mình, qua đó thể hiện mối tình say đắm của hai người.
- Từ lời thoại 8 đến lời thoại 16 là lời đối thoại giữa hai người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ. Rômêô đã dùng một loạt hình ảnh so sánh tuyệt vời nhất để miêu tả vẻ đẹp của nàng Giu-li-et. “Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về”.
Câu 2: SGK – 201
Những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch:
- Xuất hiện 3 lần trong lời thoại của Rô-mê-ô:
+ Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa.
+ Tôi thù ghét cái tên tôi.
+ Chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu.
- Xuất hiện 4 lần trong lời thoại của Giu-li-et:
+ Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi.
+ Chỉ có tên họ của chàng là thù địch của em thôi.
+ Nơi tử địa, họ mà bắt gặp anh.
+ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây.
- Sự thù hận của hai dòng họ ngăn cách tình cảm của hai người.
- Nỗi ám ảnh thù hận xuất hiện ở nàng Giu-li-et nhiều hơn, nàng lo lắng cho mình và còn cả người yêu.
- Ro-me-o quyết liệt hơn, chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ chọn tình yêu, chàng sợ mất Giu-li-et.
Cả hai đều hiểu, và nói tới thù hận để cùng vượt lên rào cản, xây dựng tình yêu.
Câu 3: SGK – 201
- Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu-li-ét.
- Trong tâm trạng đó, Rô-mê-ô chỉ còn nhìn thấy một số điều đó là Giu-li-ét đẹp như một nàng tiên lộng lẫy át cả vẻ đẹp của trăng sao trên bầu trời; chỉ còn biết làm một việc duy nhất là tìm những lời đẹp đẽ nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất để ca ngợi nhan sắc tuyệt mĩ của nàng.
- Đây là tâm trạng của chàng trai mà tình yêu đầy ắp trong tim, đã trào ra và tuôn chạy ào ạt như một khúc nhạc ái tình nồng nàn, ngây ngất, đắm say.
Câu 4: SGK – 201
- Qua lời độc thoại nội tâm:
+ Vừa gặp Rô-mê-ô, trở về phòng đứng bên cửa sổ thổ lộ nỗi lòng của mình “Chàng hãy khước từ…hãy thề yêu em đi” “chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”.
Tình yêu mãnh liệt không chút che dấu, không chút ngượng ngùng. Cách đặt vấn đề của Giu-li-et rất hồn nhiên, tha thiết. Nàng tự chất vấn mình, rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Rồi lại tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy từ bỏ tên họ đi”.
- Qua lời đối thoại với Rô-mê-ô.
+"Anh làm thế nào... và tới làm gì?: Câu hỏi để giải toả băn khoăn vì chưa thật tin vào tình yêu mới bất ngờ của chàng.
+ “Anh làm thế nào tới được chốn này..người nhà em bắt gặp nơi đây”: Thể hiện nỗi lo lắng giằng xé tâm can Giu-li-ét.
+ “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây”: tế nhị chấp nhận tình yêu của Rô-mê-ô, trái tim nàng đã hoàn toàn hướng về Rô-mê-ô.
Qua ngôn ngữ sống động và đầy chất thơ nhà văn đã thể hiện được diễn biến nội tâm đầy phức tạp nhưng phù hợp với tâm trạng của người đang yêu. Thể hiện một tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên trên sự hận thù truyền kiếp của hai dòng họ.
Câu 5: SGK – 201
- Vấn đề thù hận dòng họ: thái độ của Rô-mê-ô rất kiên quyết. Ba trên năm lời đối thoại của Rô-mê-ô thể hiện thái độ dứt khoát của chàng trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề thù hận: Tôi sẽ thay đổi tên họ; sẽ xé nát cái tên đó vì nó là kẻ thù của em; chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu, nếu em không ưa tên họ đó.
- Tình yêu có sức mạnh to lớn, có thể vượt qua được hận thù thể hiện trong lời thoại thứ 13 và 15 trong đoạn trích. Các câu như cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng thù hận của dòng họ nữa đâu thể hiện ý chí vượt qua tất cả để đến với tình yêu của Rô-mê-ô.
Như vậy, có thể nói vấn đề tình yêu và thù hận đã được giải quyết dứt khoát qua 16 lời thoại, và trên tinh thần các lời thoại đó của hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét, thì tình yêu đã chiến thắng hận thù. Đó là bản chất, sức mạnh, vẻ đẹp của tình yêu con người mà Uy-li-am Sếch-xpia đã ca ngợi trong đoạn trích cũng như trong toàn bộ vở kịch.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
Giá trị nội dung:
Thông qua câu chuyện tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét, tác giả ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của tình người, tình đời theo lí tưởng chủ nghĩa nhân văn.
Giá trị nghệ thuật:
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt thành công ở những đoạn độc thoại nội tâm.
Cách nói, lối nói hồn nhiên của hai nhân vật, cách sử dụng lối nói của nhau để xóa đi sự ngăn cách mà hận thù tạo ra.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Bài 1: SGK – 201
- Giải thích câu nói:
Nhận xét: "Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người" cần được hiểu một cách thấu đáo. Có thể nói, trước hết, tình yêu có sức mạnh nối kết con người lại với nhau, xoá đi mọi thành kiến lạc hậu hay hận thù chia rẽ con người. Tình yêu sau nữa còn nâng dỡ, cổ vũ cho con người, tạo nên lẽ sống: "Sống là yêu thương". Tình yêu, do đó, thực hiện chức năng bảo vệ và gìn giữ cho cuộc sống, giúp cuộc sống phát triển. Song đó phải là tình yêu chân chính.
- Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích Tình yêu và thù hận. Phân tích tình yêu say đắm của hai nhân vật qua diễn biến câu chuyện và qua các lời thoại.
+ Tình yêu của hai người dành cho nhau rất nồng thắm: qua những lời hội thoại của hai người, qua diễn biến tâm lí của cả hai.
+ Tình yêu đó của họ đã vượt lên trên những hận thù gia tộc để quyết tâm đến với nhau.
Bài 2: SGK – 201
Giu-li-ét (nói một mình): “Ôi chao!”
Rô-mê-ô: “Nàng đã lên tiếng! Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi! Bởi đêm nay, nàng tỏa ánh hào quang trên đầu ta như một sứ giả nhà trời có cánh, cưỡi những áng mây lững lờ lướt nhẹ trên không trung, khiến những kẻ trần tục phải cố ngước mắt lên mà chiêm ngưỡng!”
Giu-li-ét: “Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi! Hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi; em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa!”
Rô-mê-ô (nói một mình): “Mình cứ lắng nghe thêm nữa hay lên tiếng nhỉ?”
Giu-li-ét: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch với em thôi. Nếu chẳng phải là người dòng họ Môn-ta-ghiu thì chàng cũng vẫn là chàng… Chàng ơi, hãy mang tên họ nào khác đi! Cái tên nó có nghĩa gì đâu! Bông hồng kia, giá chúng ta gọi nó bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Vậy nếu chàng Rô-mê-ô chẳng mang tên Rô-mê-ô nữa thì mười phân chàng cũng vẫn vẹn mười. Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi! Chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải là xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây!”
Rô-mê-ô (nói to): “Đúng là miệng nàng nói đấy nhé! Chỉ cần nàng gọi tôi là người yêu, tôi sẽ thay tên đổi họ. Từ nay, tôi sẽ không còn là Rô-mê-ô nữa!”
Giu-li-ét: “Rô-mê-ô chàng ơi! Sao chàng lại vào được chốn này và vào làm gì thế? Tường vườn này cao, rất khó vượt qua và sẽ là nơi tử địa nếu chàng bị người nhà em bắt gặp nơi đây.”
Rô-mê-ô: “Tôi vượt được tường cao là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu. Mấy bức tường đá làm ngăn sao được tình yêu?! Mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm. Vậy người nhà em ngăn sao nổi tôi?!”
Giu-li-ét: “Chàng ơi, em lo sợ quá! Nếu bắt gặp, họ sẽ giết chết chàng!”
Rô-mê-ô: “Giu-li-ét nàng ơi! Ánh mắt của nàng còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ. Nàng hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu!”
Giu-li-ét: “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp chàng, Rô-mê-ô ạ! Chàng hãy mau mau rời khỏi nơi này! Chúng ta sẽ gặp nhau sau nhé chàng!”.
Gợi ý Văn 11 Soạn bài Tình yêu và thù hận do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.