NGƯỜI TRONG BAO
_Sê - khốp_
I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Nội dung:
Qua hình tượng người trong bao tác giả phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỉ XIX. Từ đó nhà văn khẩn thiết thức tỉnh mọi người: Không thể sống mãi như thế được.
2. Nghệ thuật:
Nhân vật trong câu chuyện đồng thời là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Tác giả giữ ngôi thứ ba kể lại câu chuyện của Pu-rơ-kin làm tăng tính chân thật khách quan cho câu chuyện. Giọng kể trầm tĩnh, bình thản, khách quan nhưng bên trong đầy trăn trở, bức xúc. Xây dựng nhân vật vừa cụ thể vừa khái quát, tính các nhân vật kì quái mà vẫn chân thực.
II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1. SGK – 70
Chân dung nhân vật Bê-li-cốp được miêu tả qua các chi tiết sau:
- Bộ mặt: giấu trong cổ áo bành tô bẻ cao, mắt đeo kính râm.
- Trang phục: luôn mặc áo màu đen, đi giầy cao su, mặc áo bông chần, đeo kính râm.
- Đồ dùng: cái ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao nhỏ để gọt bút chì... đều được để trong bao.
Chân dung nhân vật kì quái, lập dị, được che chắn, bao bọc trong hình thức một cái bao, không dám đối mặt với thực tế, “trốn tránh cuộc sống thực”.
Về tính cách Bê-li-cốp:
- Nhút nhát, ngại giao tiếp “thu mình vào trong vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn mình khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài”.
- Ý nghĩ cũng giấu vào trong bao, không bao giờ dám có ý kiến về một vấn đề nào.
- Trốn tránh hiện tại, ca ngợi quá khứ - ngợi ca tiếng Hi Lạp cổ.
- Bảo thủ, giáo điều, sùng bái cấp trên và những chỉ thị thông tư một cách máy móc, rập khuôn.
- Luôn cô độc, lo lắng sợ hãi.
+ Ở nhà luôn đóng cửa, cài then, buồng ngủ chật như một cái hộp, khi ngủ kéo chăn trùm đầu kín mít.
+ Câu nói cửa miệng: “nhỡ lại xảy ra chuyện gì”.
Bê-li-cốp là một người cô độc, lạc lõng, sợ hãi, thích sống dập khuôn như một cái máy vô hồn và luôn thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống của mình.
Lối sống của Bê-li-cốp dã ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của mọi người: mọi người đều sợ hắn, cả thầy hiệu trưởng cũng sợ..., cả thành phố sợ hắn.
Bê-li-cốp đại diện cho những chỉ thị, thông tư, điển hình cho một kiếp người, một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong cuộc sống của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỉ XIX.
Câu 2: SGK – 70
Bê-li-cốp chết là bởi bị Kô-va-len-cô đẩy ngã xuống cầu thang và Va-ren-ca nhìn thấy, không những thế Va-ren-ca còn "cười phá lên", "cười âm vang, lảnh lót". Điều kinh khủng nhất đối với hắn là sẽ biến thành trò cười cho thiên hạ mà trước hết là tiếng cười của Va-ren-ca.
Hắn chết và hắn được nằm trong quan tài - "Cái bao" bền vững nhất, đó là khát vọng mãnh liệt - kì dị cả đời Bê-li-cốp khuôn mặt hắn lại như thanh thản và hơi mỉm cười.
Đây là một cái chết hơi có phần bất ngờ, tuy nhiên đối với một người luôn sống kì quặc như hắn thì điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Thái độ của mọi người khi Bê-li-cốp còn sống và đã chết:
Khi Bê-li-cốp còn sống mọi người sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh.
Khi hắn chết mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng chưa được bao lâu cuộc sống lại diễn ra như cũ nặng nề, mệt nhọc, vô vị, tù túng.
Chính tình cảm và thái độ ấy của mọi người đối với Bê-li-cốp cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hắn và những người như hắn trong xã hội Nga lúc bấy giờ. Để đến cuối cùng tác giả phải thốt lên "không thể sống mãi như thế được".
Câu 3: SGK – 70
Hình ảnh cái bao là một trong những sáng tạo độc đáo của tác giả. Nó có thể bao hàm và gợi ra cho người đọc những ý nghĩa sau:
+ Nghĩa đen (nghĩa gốc): Vật dùng để bao, gói, đựng đồ vật, hàng hoá,.. hình túi, hình hộp,…
+ Nghĩa bóng (nghĩa chuyển): Lối sống và tính cách của Bê-li-cốp.
+ Nghĩa tượng trưng: Kiểu người trong bao, lối sống trong bao – một kiểu người, một lối sống không chỉ đã và đang tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX đấu thế kỉ XX mà còn có ý nghĩa phổ quát hơn nhiều.
Chủ đề tư tưởng của truyện:
+ Người trong bao lên án mạnh mẽ kiểu người trong bao, lối sống trong bao hèn nhát, cá nhân, ích kí, hủ lậu của một bộ phận trí thức Nga và tác hại của nó đối với hiện tại và tương lai của nước Nga.
+ Truyện cũng bức thiết cảnh cáo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cuộc sống, cách sống, không thể sống tầm thường, vô vị và hủ lậu như thế mãi!
Câu 4: SGK – 70
Đặc sắc về nghệ thuật:
+ Ngôi kể: Để nhân vật trong truyện (xưng tôi) tự kể, tác giả ở ngôi thứ ba để đảm bảo cho câu chuyện vừa khách quan, vừa chủ quan.
+ Giọng kể trầm tĩnh, chậm buồn, ẩn giấu nhiều sự bức xúc, trăn trở sâu sắc.
+ Xây dựng hình tượng nhân vật điển hình Bê-li-cốp.
+ Xây dựng hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: cái bao.
Câu 5: SGK – 70
Truyện ngắn “Người trong bao” có ý nghĩa thời sự rộng rãi:
- Đối với xã hội Nga đương thời, truyện ngắn “Người trong bao” gián tiếp phản ánh không khí tù túng, trói buộc của nền chuyên chế cuối thế kỉ XIX khiến con người sống một cách hèn nhát, thảm hại, sợ hãi.
- Đối với thời đại hiện nay thì kiểu người Bê-li-cốp vẫn tồn tại trong xã hội, nhiều người sống thu mình trong một lớp vỏ khiến cuộc đời mất đi ý nghĩa và xã hội cũng trì trệ vì họ.
III. LUYỆN TẬP
Bài 1: SGK – 70
Tôi là Bê-li-cốp, một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp cổ. Tôi thấy sợ thế giới bên ngoài nên đi đâu tôi cũng luôn mặc kín bưng, tôi thích nhét các vật dụng như đồng hồ, ô... vào trong bao. Khi tới nhà đồng nghiệp hay bạn bè, tôi thường ngồi nhìn mọi vật xung quanh, không nói năng gì rồi ra về. Tôi thích ngủ kín mít chăn, đóng kín cửa, tôi cũng không thích giao du với hàng xóm. Tôi cảm thấy khó chịu khi ai đó vẽ tranh châm biếm tôi và Va-ren-ca người phụ nữ tôi yêu thương nên tôi kể với Co-va-len-ca. Tôi nghĩ cần sống đúng theo chỉ thị, hành xử phải thận trọng, cẩn thận. Tôi thấy kinh khủng khi Va-ren- ca là con gái mà đạp xe, nên tôi góp ý với em cô ấy. Không ngờ thằng bé xô tôi ngã nhào xuống cầu thang, đúng lúc đó Va-ren-ca trở về nhìn thấy tôi thì phá lên cười, tôi thấy xấu hổ vô cùng.
Bài 2: SGK – 70
Bê-li-cốp không chết, ông tỉnh ngộ và trút bỏ hết những chiếc bao bên ngoài mình để sống cuộc đời tự do hơn. Ông trở nên thân thiện, trò chuyện với mọi người vui vẻ, cởi mở hơn. Ông cùng đạp xe với Va-ren-cô mỗi khi hai người gặp nhau. Ông chuyển tới căn nhà thoáng mát, có nhiều cửa sổ hơn, và sống cuộc đời mới.
Bài 3: SGK – 70
Không nên thay nhan đề “Người trong bao” bằng các nhan đề đã cho, vì nhan đề này giàu tính biểu tượng, vừa mang tính khái quát lại vừa gây ấn tượng sâu sắc.
Bài 4: SGK – 70
Một số thành ngữ, tục ngữ Việt Nam nói về hiện tượng người trong bao:
- Con ốc nằm co.
- Nhát như thỏ đế.
- Rùa rụt cổ.
- Mũ nỉ che tai.
- Co vòi rụt cổ.