LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG
(Xuất dương lưu biệt)
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1. SGK – 5:
Bối cảnh lịch sử đất nước và những ảnh hưởng từ nước ngoài trong bài thơ Lưu biệt khi xuất Dương nhưu sau:
- Bối cảnh lịch sử đất nước: Vào cuối nững năm cuối thế kỷ XIX, tình hình chính trị trong nước hết sức đen tối, chủ quyền của đất nước đã rơi vào tay giặc, phong trào Cần Vương thất bại, chế độ phong kiến và tư tưởng phong kiến sụp đổ, kéo theo đó là sự sụp đổ của cả một hệ tư tưởng phong kiến già cỗi, bất lực.
- Tư tưởng dân chủ tư sản đã ảnh hưởng vào nước ta ngày càng mạnh qua con đường Trung Hoa, Nhật Bản và trực tiếp là từ Pháp, từ các nước phương Tây.
Câu 2. SGK – 5:
Tư duy mới mẻ, táo bạo và khát vọng hành động của nhà chí sĩ cách mạng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước được biểu lộ như sau:
- Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ:
+ Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ nói lên chí làm trai “Làm trai phải lạ ở trên đời/ Há để càn khôn tự chuyển dời.”
+ Do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội phong kiến, chí làm trai chỉ dành riêng cho các bậc trượng phu, các đấng mày râu, không bao hàm phụ nữ. Hai câu thơ khẳng định sức mạnh một lẽ sống đẹp của bậc trượng phu. “Phải lạ” nghĩa là phải biết sống cho phi thường, hiển hách, phải dám mưu đồ những việc kinh thiên, động địa, xoay chuyển “càn khôn”, chứ không thể sống tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận, chịu để con tạo xoay vần.
+ Cảm hứng và ý thơ của Phan Bội Châu gần gũi với lý tưởng nhân sinh của các nhà nho thuở trước (Phạm Ngũ Lão: Công danh nam tử còn vương nợ; Nguyễn Công Trứ: Chí làm trai nam, bắc, đông, tây/ Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể), nhưng nó táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Con người dám đối mặt với tất cả trời đất (càn khôn), cả vũ trụ để tự khẳng định mình, vượt hẳn lên cái mộng công danh gắn với hai chữ hiếu, trung để vươn tới những lý tưởng nhân quần, xã hội rộng lớn và cao cả hơn nhiều. Lý tưởng sống ấy đã tạo cho con người một tư thế mới, sánh ngang tầm vũ trụ.
- Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc:
+ Hai câu thực kế tiếp triển khai cụ thể tư tưởng về chí làm trai gắn với ý thức về cái “tôi” cá nhân mà là một cái “tôi” công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời: “Trong khoảng trăm năm cần có tớ,/Sau này muôn thuở, há không ai?”
+ Cuộc đời trăm năm này cần có ta, không phải là để hưởng lạc thú mà là để cống hiến cho đời, để đáng mặt nam nhi, để lưu danh thiên cổ. Câu thơ thứ nhất khẳng định dứt khoát, đến câu thơ thứ hai, tác giả chuyển sang giọng nghi vấn, nhưng cũng để ngầm khẳng định quyết liệt hơn một khát vọng sống hiển hách, phát huy hết tài năng và chí khí cống hiến cho đời, để tên tuổi còn lưu lại mãi về sau. Ý thơ được tăng cấp lên, đồng thời thêm giọng khuyến khích, giục giã.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, sau những thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp, một nỗi thất vọng, bi quan đang đè nặng lên tâm hồn những người Việt Nam yêu nước. Tâm lý buông xuôi, an phận, cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng” trong một số bộ phận nhân sĩ không phải là không có. Chính bởi thế mà Phan Bội Châu muốn rung lên một hồi chuông để thức tỉnh mọi người, giục gọi thế hệ của mình tiếp tục con đường tranh đấu.
+ Câu thơ giàu cảm hứng lãng mạn bay bổng gắn với hình tượng nghệ thuật kỳ vĩ, trường tồn: đất trời cao rộng (càn khôn), cuộc nhân sinh một đời người (trong khoảng trăm năm) và cả tươg lai nối dài phía sau (sau này muôn thuở), càng làm tăng đến vô cùng sức mạnh của khát vọng và niềm tin.
- Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ (Non sông đã chết, sống thêm nhục/ Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)
+ Câu 5 nói lên nỗi nhục mất nước, nỗi xót đau đốt cháy tâm can nhà thơ (non sông đã chết), động thời cũng khẳng định ý chí gang thép của những con người không cam chịu sống cuộc đời nô lệ đắng cay (Non sông đã chết, sống thêm nhục). Ý chí ấy gần gũi với tư tưởng yêu nước, với ý chí của những người nghĩa sĩ nông dân trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng đến câu 6 thì tư tưởng của Phan Bội Châu đã vượt hẳn lên, mang những sắc thái mới của tư tưởng thời đại.
+ Phan Bội Châu đã dám đối mặt với cả nền học vấn cũ để nhận thức một chân lý: sách vở thánh hiền chẳng giúp ích gì trong buổi nước mất nhà tan. Tất nhiên, Phan Bội Châu không phủ nhận cả nền học vấn Nho giáo, nhưng có được một ý tưởng như thế đã là hết sức táo bạo với một con người từng là môn đồ của nơi “cửa Khổng sân Trình”rồi.
- Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường (Muốn vượt biển Đông theo cánh gió/Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)
+ Hình ảnh kỳ vĩ lớn lao “biển Đông”, “cánh gió” muôn trùng “sóng bạc” tương ứng với hành động cao cả, tầm vóc phi thường của Phan Bội Châu.
+ Thể hiện khát vọng lên đường có một sức mạnh, khơi dậy nhiệt huyết của cả một thế hệ.
Câu 3: SGK - 5
Nhận xét về câu 6 và 8 của bản dịch thơ so với nguyên tác
- Câu 6:
+ Nguyên tác: “Nguyệt trục trường phong Đông hải khứ”: Mong muốn đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông.
+ Câu dịch thơ lại là: “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió”: Đạp gian khó để đạt được ước nguyện giải phóng của dân tộc.
Như vậy, câu thơ dịch chỉ chú ý đến “vượt bể Đông” mà không chú trọng đến ý thơ thể hiện được nhà thơ ý thức được gian khó, nhưng vẫn khao khát vượt qua. Do vậy, làm mất đi đôi chút lớn lao, mạnh mẽ, can trường của nhân vật trữ tình.
- Câu 8:
- Nguyên tác: “ Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”: ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.
- Câu thơ dịch là: “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Như vậy, câu thơ dịch làm mất đi cái kỳ vĩ, hào sảng của hình ảnh “nhất tề phi” – “cùng bay lên” đầy lãng mạn, hùng tráng.
Câu 4: SGK - 5
Sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ được thể hiện qua các yếu tố sau:
- Khát vọng sống hào hùng, mãnh liệt của nhân vật trữ tình.
- Tư thế con người kỳ vĩ, đầy lãng mạn, sánh ngang cùng vũ trụ.
- Khí phách ngang tàng, dám đương đầu với mọi thử thách.
- Giọng thơ tâm huyết, sâu lắng mà sục sôi, hào hùng.
- Tư tưởng đổi mới táo bạo, đi tiên phong cho thời đại.
- Lòng yêu nước cháy bỏng và ý thức về lẽ vinh nhục.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
Nội dung:
- Bài thơ khắc họa vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỷ XX, với lý tưởng cứu nước cao cả, nhiệt huyết sôi sục, tư thế và khát vọng lên đường cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước.
Nghệ thuật:
- Tác giả sử dụng ngôn ngữ khoáng đạt, hình ảnh kỳ vĩ sánh ngang tầm vũ trụ và giọng thơ tâm huyết sâu lắng mà sôi sục, hào hùng.
- Đặc biệt, tác giả sử dụng các động từ mạnh, kết hợp cách ngắt nhịp dứt khoát, dùng câu khẳng định, khiên lời thơ rắn rỏi và mang cảm xúc mãnh liệt.
III. LUYỆN TẬP
Dàn ý viết đoạn văn về cảm nhận chi tiết hình ảnh nghệ thuật ở hai câu thơ cuối bài:
- Những hình ảnh kỳ vĩ, lớn lao: “Biển Đông”, “Cánh gió”, “Muôn trùng sóng bạc”, phù hợp với hành động cao cả, tầm vóc phi thường của chủ thể trữ tình.
- - Câu thơ cuối dịch nghĩa là “Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên” là một hình ảnh hào hùng lãng mạn. Sóng của biển cả hay nhiệt huyết cứu nước dâng trào chắp cánh cho ý chí vượt đại dương tìm đường cứu nước thêm phần hăm hở, tự tin. Tư thế và khát vọng lên đường của chủ thể trữ tình ở hai câu kết có một sức truyền cảm mạnh mẽ. Phan Bội Châu đã từ bài thơ này mà khơi gợi nhiệt huyết của cả một thế hệ.
Gợi ý Văn 11 Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ.