ican
Soạn Văn 11
Hầu trời

Soạn bài Hầu trời

Văn 11 bài Soạn bài Hầu trời: Lý thuyết trọng tâm từ Ican, Soạn bài Hầu trời giúp học sinh nắm vững kiến thức ngắn gọn

Ican

HẦU TRỜI

_Tản Đà_

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1: SGK - 17

Câu thơ tác giả đặt vấn đề có vẻ khách quan: Câu chuyện tôi sắp kể “chẳng biết có hay không”. Chắc chắn người nghe thì cho là bịa đặt nhưng tác giả lại khẳng định mình ở trong trạng thái rất bình thường “Chẳng hốt hoảng, không mơ màng” và câu chuyện có vẻ là thật. Điệp từ “thật” kết hợp với hàng loạt dấu cảm khẳng định độ chân thật của câu chuyện mà tác giả sắp kể.

Cách vào đề gây được mối nghi vấn để gợi được trí tò mò ở người đọc, tạo sự hấp dẫn, muốn được nghe câu chuyện.

Câu 2: SGK - 17

Tác giả đã kể lại chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe:

  • Thái độ của thi nhân khi đọc thơ:

+ Thi nhân đọc thơ một cách cao hứng và có phần từ đắc, kể tường tận từng chi tiết về tác phẩm của mình.

+ Giọng đọc thơ của thi nhân vừa truyền cảm, vừa hóm hỉnh, vừa sảng khoái, cuốn hút người nghe.

  • Thái độ của người nghe thơ:

+ Thái độ của trời: Khen nhiệt thành.

+ Thái độ của chư tiên: xúc động, tán thưởng và hâm mộ.

  • Thái độ của Trời và chư tiên khi nghe thơ đã tỏ ra rất thích thú và ngưỡng mộ tài năng thơ ca của thi nhân.

Câu 3: : SGK - 17

  • Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực. Đó là đoạn thơ:

“Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó

Trần gian thước đất cũng không có

[…]

Sức trong non yếu ngoài chen rấp

Một cây tre chống bốn năm chiều”.

  • Ý nghĩa đoạn thơ:

+ ở đoạn thơ này, nhà thơ nói đến nhiệm vụ truyền bá “thiên lương”. Điều đó chứng tỏ, Tản Đà lãng mạn, nhưng không hoàn toàn thoát ly cuộc đời, ông vẫn ý thức về trách nhiệm với đời và khát khao được gánh vác việc đời. Đó cũng là một cách khẳng định mình.

+ Có những câu thơ vẽ lên một bức tranh chân thực về chính cuộc đời nhà thơ và cuộc đời của nhiều văn sĩ khác lúc đó. Đó là cuộc sống hết sức cơ cực, tủi hổ, ( không tấc đất cắm dùi, thân phận bị rẻ rúng, làm cho đủ ăn, bị o ép nhiều chiều,..). Những câu thơ không hề cường điệu. Đó thậm chí là cuộc sống đầy xót xa của thi sĩ Tản Đà. Là một thi sĩ nổi tiếng tài hoa, thế nhưng gần như suốt đời, Tản Đà sống nghèo khổ, túng quẫn. Ông đã từng rơi vào hoàn cảnh:

Hôm qua chửa có tiền nhà

Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào

Đi ra rồi lại đi vào

Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ

  • Về cuối đời, Tản Đà thậm chí phải mở cửa hàng xem tướng số để kiếm ăn nhưng không có khách, mở lớp dạy Hán văn nhưng không có học trò. Cuối cùng, ông chết trong cảnh nghèo khó, nhà cửa, đồ đạc bị chủ nợ tịch biên, chỉ còn một cái giường mọt, cái ghế ba chân, chồng sách nát và một be rượu.
  • Bức tranh hiện thực miêu tả trong bài thơ đã giúp chúng ta thêm hiểu vì sao Tản Đà thấy đời đáng chán (Trần thế nay em chán nửa vời). vì sao ông phải tìm cõi tri âm tận trời cao (Tri kỷ trông lên đứng tận trời), phải tìm đến Hẳng Nga, Ngọc Hoàng Thượng đế, chư tiên,… để thỏa niềm khao khát. Hai nguồn cảm hứng lãng mạn và hiện thực thường đan cài hăng khít trong thơ ông như thế!

Câu 4: : SGK - 17

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong hình thức nghệ thuật, với những dấu hiệu đổi mới theo hướng hiện đại.

  • Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu kết cấu nào, nguồn cảm xúc được bộc lộ thoải mái, tự nhiên, phóng túng.
  • Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm và rất gần với đời, không cách điệu, ước lệ.
  • Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn được người đọc.
  • Tác giả tự hiện diện trong bài thơ với tư cách người kể chuyện, đồng thời là nhân vật chính. Cảm xúc biểu hiện phóng túng, tự do, không hề gò ép.

 

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Nội dung:

  • Bài thơ Hầu trời của Tản Đà đã bộc lộ cái tôi cá nhân, một cái tôi ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình; và khao khát được khẳng định mình giữa cuộc đời.

Nghệ thuật:

  • Sáng tạo trong thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu kết cấu nào, nguồn cảm xúc được bộc lộ thoải mái, tự nhiên, phóng túng.
  • Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm, giản dị, không cách điệu, ước lệ.
  • Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn được người đọc.
  • Tác giả hiện diện trong bài thơ với tư cách

III. LUYỆN TẬP

Bài 1: : SGK - 17

Các em lựa chọn ý tưởng, câu thơ theo suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Chú ý: các em nên chọn vấn đề, câu thơ mà mình cảm thấy tâm đắc, trình bày suy nghĩ của mình một cách mạch lạc và thể hiện những ý tưởng mà bản thân cảm thấy thú vị.

Bài 2: SGK - 17

  • “Ngông” chỉ sự khác thường. “Ngông” trong văn chương dùng để chỉ một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thói thường có ở nhà văn, nhà thơ có ý thức cá nhân cao độ.
  • Cái “ngông” của Tản Đà trong bài thơ này thể hiện ở những điểm như sau:

+ Tự cho mình văn hay đến mức Trời cũng phải tán thưởng.

+ Không thấy ai đáng là tri âm với mình ngoài trời và chư tiên.

+ Xem mình là mọt “trích tiên” bị đày xuống hạ giới thực hành “thiên lương”, một sứ mênh cao cả.

+ Xem các đấng siêu nhiên là tri âm…

 

Gợi ý Văn 11 Soạn bài Hầu trời do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (350)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy