THỰC HÀNH PHÉP TU TỪ: ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
A. Ẩn dụ
1. Bài tập 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 135)
* Câu (a):
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
- Thuyền : ẩn dụ chỉ người con trai trong xã hội phong kiến, thuyền đi đến bến này hết bến khác
- Bến : ẩn dụ chỉ tấm lòng thuỷ chung son sắt của người con gái, bến nước cố định
* Câu (b):
- Cây đa bến cũ : Chỉ mối quan hệ gắn bó mật thiết nhưng giờ phải xa nhau
- Thuyền và con đò : đều là dụng cụ để chuyên chở trên sông
- Bến và bến cũ : Địa điểm cố định
- So sánh sự khác nhau :
+ Thuyền và bến ở câu 1: chỉ hai đối tượng là chàng trai và cô gái.
+ Bến đò ở câu 2 : là con người gắn bó quan hệ với nhau nhưng vì điều kiện nào đó phải xa nhau.
Câu 1 thể hiện tấm lòng thuỷ chung của bến với thuyền, dù thuyền xa cách.
Câu 2 thể hiện sự tiếc nuối cho mối tình dang dở vì giờ đây con đò đã có người khác.
2. Bài tập 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 135- 136)
- Đoạn trích 1:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu đường lửa lựu lập loè đơm bông
+ Lựu : Ẩn dụ chỉ hoa lựu đỏ chót như lửa.
+ Tác dụng: nhà thơ miêu tả cảnh sắc sinh động, cảnh vật hiện lên như có hồn và sống động.
* Chú ý : Thực ra hai hình ảnh chim quyên và hoa lựu nở cũng có thể hiểu là hai hoán dụ. Bởi mùa hè - chim quyên - hoa lựu đều có thực và gắn bó chặt chẽ với nhau trong thực tế (nghĩa là chúng có mối liên hệ tương cận với nhau). Như vậy chỉ có hình ảnh lửa lựu (sức nóng của mùa hè) ở trong câu này là được xây dựng dựa trên cơ sở liên tưởng tương đồng "thực sự" mà thôi.
- Đoạn trích 2:
+ “văn nghệ ngòn ngọt”: văn nghệ không có sức sống mạnh mẽ, không có tính chiến đấu.
+ “tình cảm gầy gò”: tình cảm yếu đuối, uỷ mị.
- Đoạn trích 3:
+ “Hót” : Ca ngợi mùa xuân, đất nước, ca ngợi cuộc đời mới với sức sống đang trỗi dậy
+ “giọt”: âm thanh của tiếng chim hót có vẻ đẹp của giọt nước long lanh
à ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: từ thính giác sang thị giác và xúc giác.
+ “hứng”: đón nhận, sự thừa hưởng một cách trân trọng.
- Đoạn trích 4:
+ Thác : ẩn dụ sự gian khổ , khó khăn trong cuộc sống, trong cuộc cách mạng
+ Thuyền : ẩn dụ cuộc sống con người đang vượt qua những gian khổ khó khăn mà vươn tới
- Đoạn trích 5:
+ Phù du : Hình ảnh được lấy làm ẩn dụ chỉ kiếp sống trôi nổi, phù phiếm của con người
+ Phù sa : ẩn dụ cuộc sống mới, cuộc sống màu mở đầy triển vọng tốt đẹp của con người
3. Bài tập 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 136)
- Thầy cô là những con đò miệt mài đưa chúng em qua sông tới bến bờ tri thức.
- Sách là cánh cửa đưa chúng ta bước vào đường đời.
-“Thư viện nhà trường có rất nhiều sách báo. Chúng em rất nâng niu và quý mến những cánh cửa nhỏ dẫn vào con đường đời như thế.”
B. Hoán dụ
1. Bài tập 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 136 - 137)
a) Đầu xanh là hoán dụ chỉ những người trẻ tuổi. Má hồng chỉ những người con gái đẹp và thân phận làm gái lầu xanh của họ và ở đây chính là Thuý Kiều.
Áo nâu là hoán dụ chỉ người nông dân còn áo xanh là hoán dụ chỉ người công nhân.
b) Để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ đã đổi tên gọi của đối tượng đó phải xá định mối quan hệ gần gũi giữa các đối tượng, như mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể, giữa trang phục và con người, giữa nơi ở và con người hay con vật.
à Đây là những cơ sở để xây dựng hoán dụ cũng là những cơ sở để hiểu đúng hoán dụ.
2. Bài tập 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 137)
a. Các biện pháp tu từ
– Hoán dụ: Thôn Đoài, thôn Đông là hoán dụ để chỉ người thôn Đoài và người ở thôn Đông, hoán dụ lấy nơi ở để chỉ con người.
- Ẩn dụ: Cau và trầu không là những vật gắn bó với nhau trong hoạt động ăn trầu của người Việt Nam. Khi trầu cau nhai kĩ hoà quyện vào nhau toạ nên màu đỏ thắm. Đây là những ẩn dụ chỉ những con người có tình cảm thắm thiết.
b) Cùng bày tỏ nỗi nhớ thương nhưng câu “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” thì dùng hoán dụ (thôn Đoài, thôn Đông) và ẩn dụ (cau thôn Đoài, trầu không), còn câu “Thuyền ơi có nhớ bến chăng…” thì dùng ẩn dụ (thuyền, bến), và cách nói mạnh mẽ hơn nhờ từ láy mức độ khăng khăng.
3. Bài tập 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 137)
- Tuấn là tay cờ vua rất giỏ ở lớp tôi.
- Nó là một cây bút xuất sắc của trường trong phong trào làm báo tường.
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Ẩn dụ
- Hình thành trên cơ sở nhận thức được sự tương đồng nào đó giữa các đối tượng trong hiện thực
- Từ đó chuyển tên gọi từ đối tượng này sang đối tượng khác , nhờ thế từ(tên gọi) có nghĩa mới.
- Ẩn dụ đáp ứng nhu cầu biểu hiện và nhu cầu thẩm mĩ của con người trong giao tiếp ngôn ngữ.
2. Hoán dụ
- Hình thành trên cơ sở nhận thức được quan hệ tương cận (liên quan đến nhau , đi đôi với nhau) của các đối tượng trong hiện thực
- Từ đó có sự chuyển tên gọi và từ được dùng có nghĩa mới.
- Hoán dụ cũng đáp ứng nhu cầu biểu hiện và nhu cầu thẩm mĩ của con người trong giao tiếp.
3. Nhận xét
Hoán dụ và ẩn dụ tu từ về bản chất giống với ẩn dụ , hoán dụ từ vựng , nhưng khác ở tính chất mới mẻ , lâm thời , tính hấp dẫn và , giá trị nghệ thuật.
Gợi ý Văn 10 Soạn bài Thực hành về phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc bác bạn học tập vui vẻ