NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC
I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.
VD: đề tài trong Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày sưu thuế.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.
VD: Chủ đề của Tắt đèn là sự mâu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc.
VD: trong Tắt đèn tư tưởng lên án những thế lực hắc ám hoành hành ở nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc và sự trân trọng yêu thương người nông dân bị áp bức hiện lên rất rõ.
Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản.
VD: Cảm hứng trong Tắt đèn là lòng căm phẫn, là sự tố cáo bọn hào lí quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp. Đồng thời ta thấy lòng gắn bó với nông thôn, yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân cở nhà văn Ngô Tất Tố.
Để lý giải được chủ đề đã nêu ra, tác giả luôn gửi gắm tâm tư tình cảm vào bên trong tác phẩm. Do đó tư tưởng của văn bản và cảm hứng nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết.
Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Văn bản văn học cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức -thống nhất nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.
Ghi nhớ sgk trang 129
II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
Nội dung và hình thức của một văn bản văn học là hai mặt không thể chia tách. Nội dung chỉ có thể tồn tại trong một hình thức nhất định. Và bất kì hình thức nào cũng mang một nội dung,... Các khái niệm thường được coi thuộc về mặt nội dung là đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật. Các khái niệm thường được coi thuộc về mặt hình thức là ngôn từ, kết cấu và thể loại. Sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ là phẩm chất của các văn bản văn học ưu tú.
III. GỢI Ý LUYỆN TẬP
Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Đề tài trong Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày sưu thuế.
Đề tài trong Bước đường cùng là hiện thực xã hội bất công đầy cám dỗ, số phận đau khổ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Điểm giống nhau: Đề tài của cả hai tác phẩm đều nói về cuộc sống bi thảm, số phận đau khổ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Sự khác nhau:
Tắt đèn: hoàn cảnh trong những ngày sưu thuế nặng nề.
Bước đường cùng: miêu tả cuộc sống hàng ngày của người nông dân bị giai cấp thống trị bóc lột, chèn ép đến bước đường cùng.
Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 - trang 130)
Nỗi mong mỏi đợi chờ cũng như sự công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn được miêu tả trong hai khổ thơ đầu.
Ở khổ thơ cuối, từ trồng cây chuyển sang trồng người. Tác giả ví mình như một thứ quả mẹ trồng và chờ đợi được hái. Nhưng sau đó là nỗi hoảng sợ, sự lo lắng sâu sắc của người con. Đó là biểu hiện của ý thức trách nhiệm, đền đáp công ơn người đã sinh ra và nuôi nấng dạy dỗ mình. Người mẹ ở bài thơ còn được hiểu theo nghĩa là Tổ quốc. Đó là tư tưởng của bài thơ.
Gợi ý Văn 10 Soạn bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ