ican
Ngữ Văn 10
Tấm Cám

Soạn bài Tấm Cám

Ngữ Văn 10: Soạn bài Tấm cám chi tiết nhất, do đội ngũ Giáo viên ICAN trực tiếp biên soạn, giúp học sinh học Ngữ Văn 10 tốt hơn

Ican

TẤM CÁM

(Truyện cổ tích)

I. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 72)

- Mâu thuẫn xung đột giữa Tấm , dì ghẻ và Cám đều xoay quanh quyền lợi vật chất và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày:

+ Dì ghẻ sai hai chị em đi bắt tép, ai bắt được nhiều sẽ được chiếc yếm màu đỏ. Tấm do chăm chỉ nên bắt được giỏ tép đầy, Cám do lười biếng nên không bắt được con gì, đành lừa dối chị lấy hết tép mang về lĩnh thưởng. Cám vì lòng tham đã chủ động chiếm đoạt ước mơ nhỏ bé của Tấm.

+ Lừa lúc Tấm đi chăn trâu đồng xa, mẹ con Cám ở nhà giết bống vì lòng ghen ghét đố kị, hòng tước đoạt đời sống tinh thần.

+ Mẹ con Cám không muốn cho Tấm đi xem hội, bắt Tấm ở nhà nhặt thóc. Đó là hành động độc ác nhằm dập tắt niềm vui được giao cảm với đời, với người của Tấm.

- Sau mỗi lần như vậy Tấm chỉ biết khóc. Đó là phản ứng thụ động của một đứa trẻ mồ côi đáng thương, đáng được giúp đỡ. Bụt đã hiện lên giúp Tấm, cho Tấm thêm sức mạnh và giúp Tấm đạt được ước mơ của mình.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 72)

Mẹ con Cám đã 4 lần truy đuổi hòng tiêu diệt Tấm để độc chiếm ngôi hoàng hậu, hưởng vinh hoa phú quý. Đó là hành động tàn nhẫn, độc ác muốn chiến đoạt tất cả những gì thuộc về Tấm:

+ Tấm trèo cau, bị chặt gốc nên ngã chết biến thành chim vàng anh.

+ Chim vàng anh bị giết thịt, lông chim biến thành 2 cây xoan đào

+ Hai cây xoan đào bị chặt làm khung cửi, khung cửi nguyền rủa Cám

+ Khung cửi bị đốt biến thành cây thị và Tấm đã bước ra từ quả thị, được trở lại làm người xinh đẹp hơn xưa.

à Tấm hóa thân vào những vật gần gũi, bình dị quen thuộc của đời sống. Điều đó đã tạo nên hình ảnh đẹp, ấn tượng mang giá trị thẩm mĩ cho truyện cổ tích.

Bốn lần bị giết, 4 lần hoá thân chứng minh sức sống mãnh liệt của Tấm, thể hiện quan niệm luân hồi của đạo phật trong tinh thần nhân dân. Đó cũng là ước mơ của nhân dân gửi gắm vào nhân vật Tấm. Tấm phải sống và trừng trị kẻ ác, quan niệm “ở hiền gặp lành” và tinh thần lạc quan niềm tin vào chân lí và công bằng trong tâm thức của người Việt cổ trong truyện cổ tích.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 72)

Ở chặng đường này, ông Bụt không hiện lên giúp Tấm, kể cả lúc Tấm nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vì, Bụt chỉ can thiệp vào cuộc đời của Tấm khi cô còn là cô bé mồ côi, yếu đuối bất hạnh. Còn ở chặng đường sau khi Tấm phải đối mặt với hoàn cảnh khốc liệt, nên đã có sự thay đổi. Tấm đã ý thức được hạnh phúc cá nhân của mình, nên đã có những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát. Nhân dân lao động muốn qua nhân vật Tấm để thể hiện ý tưởng của mình. Muốn có hạnh phúc con người phải tự giành giật, đấu tranh giữ lấy thì mới bền lâu.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 72)

- Trong quan hệ gia đình xuất hiện mâu thuẫn giữa Tấm - Cám; Tấm - dì ghẻ. Trong 2 mâu thuẫn trên thì mâu thuẫn Tấm-Cám là chủ yếu, liên tục xuyên suốt toàn truyện và ngày càng căng thẳng, quyết liệt. Mâu thuẫn dì ghẻ- con chồng chỉ đóng vai trò bổ sung, phụ trợ không liên tục.

- Từ mâu thuẫn gia đình phát triển thành mâu thuẩn xã hội, thiện - ác.

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Nghệ thuật

- Lựa chọn những sự việc và chi tiết tiêu biểu, gần gũi với đời sống hàng ngày.

- Nghệ thuật thể hiện sự chuyển biến của nhân vật Tấm lúc đầu yếu đuối, thụ động sau đó mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho mình.

- Phản ánh ước mơ đổi đời và tinh thần lạc quan của người xưa.

2. Nội dung

Sự biến hóa của Tấm đã thể hiện sức sống trỗi dậy, mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của cái ác. Đồng thời thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân, niềm tin vào cái thiện chiến thắng cái ác. Mâu thuẫn và xung đột trong truyện phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 72

* Các yếu tố kì ảo:

- Nhân vật kì ảo : Bụt

- Sự biến hóa kì ảo (sự biến hóa liên tiếp của Tấm).

* Mẫu thuẫn tồn tại trong già đình và xã hội.

* Ý nghĩa: Muốn giải quyết xung đột tác giả dân gian đã sử dụng yếu tố kì ảo à có phép lực vô biên, chuyên cứu giúp người nghèo khổ, bất hạnh theo trí tưởng tượng của nhân dân - đó là cái có lí và vô lí trong truyện cổ tích thần kì, thể hiện mơ ước của nhân dân lao động về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, tạo nên nét hấp dẫn của loại truyện này.

 

Hy vọng Soạn bài Tấm cám của ICAN soạn thảo giúp bạn học tốt Ngữ Văn 10 tốt hơn. Chúc bạn học tập vui vẻ

Đánh giá (275)
ican
  • Một thương hiệu của 
    ICAN
  • ICAN
  • ICAN © 2023, All Rights Reserved.

  • Trụ sở Hồ Chí Minh: B0003 C/C Sarina, Khu đô thị Sala, Khu phố 3, Đường Hoàng Thế Thiện, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức

  • Văn phòng Hà Nội: Tòa nhà 25T2 Đường Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy